Thunderbolt và USB-C có gì khác nhau, kết nối nào tốt hơn?
Cùng điểm qua những khác biệt và vấn đề lựa chọn giữa hai chuẩn kết nối Thunderbolt và USB-C.
Theo SlashGear, sau khi Apple công bố USB-C cho phiên bản iPhone mới, nhiều người hâm mộ đã có sự nhầm lẫn và thất vọng. Cụ thể, mặc dù iPhone 15 đã hỗ trợ cổng kết nối phổ biến nhất hiện nay, nhưng nhiều người dùng không hài lòng vì điện thoại cao cấp vẫn sử dụng chuẩn USB 2.0 đã hơn 20 năm tuổi.
Trước khi ra mắt, fan “nhà Táo” đã hy vọng cổng USB-C trên iPhone mới sẽ được cung cấp chuẩn kết nối Thunderbolt mà MacBook đã sử dụng từ lâu. Nhưng ngược lại, bức tranh Apple vẽ ra lại hoàn toàn khác.
Cổng và cáp USB-C trên dòng sản phẩm iPhone 15.
Mặc dù, người dùng vẫn có thể nhận được tốc độ USB 3 trên iPhone 15 Pro, nhưng họ cần phải mua riêng một loại cáp đặc biệt, vì Apple không tặng kèm nó trong hộp. Nhìn chung, người hâm mộ đã rất thất vọng về giấc mơ USB-C và Thunderbolt. Vậy sự định nghĩa và sự khác nhau giữa hai cái tên này là gì?
Lịch sử của USB-C và Thunderbolt
Lịch sử của giao thức USB đã lâu đời và khá phức tạp. Chuẩn kết nối này đã trải qua nhiều lần cải tiến kể từ khi ra đời vào năm 1996, với hơn chục kiểu kết nối khác nhau. Chuẩn USB Type-A là loại phổ biến nhất, nhưng sau nhiều nỗ lực chuẩn hóa, USB Type-C (hay USB-C) đã trở thành chuẩn kết nối chung của ngày nay.
Nhiều đầu nối thuộc các chuẩn USB khác nhau.
Trong khi Thunderbolt là một loại kết nối được phát triển bởi Intel và Apple vào năm 2011, kết hợp khả năng truyền dữ liệu, sạc, hỗ trợ PCI Express (PCIe) và DisplayPort (DP) trong một đầu nối "all-in-one". Ban đầu, nó sử dụng đầu Mini DisplayPort và sau đó chuyển sang đầu nối USB-C 24 chân, được triển khai bởi nhiều công ty khác nhau như Microsoft và HP.
Loại nào tốt hơn?
Khi nói đến cổng USB-C, hiệu suất mang lại sẽ phụ thuộc vào giao thức mà nó đang chạy. Phiên bản mới nhất của giao thức USB là USB 4, đang hoạt động trên phiên bản mở của Thunderbolt 3. Loại này có thể tạo ra tốc độ truyền dữ liệu 40 Gbps. Nó cũng hỗ trợ truyền tín hiệu màn hình ở độ phân giải 8K ở tần số 60Hz và cung cấp năng lượng lên tới 100W.
Nhưng không phải tất cả các cổng USB 4 đều được trang bị toàn bộ công nghệ nói trên, vì các tính năng như tốc độ truyền dữ liệu tối đa vốn là tùy chọn được nhà sản xuất đưa vào trong khi vẫn gọi là cổng USB 4. Nó cũng không được chứng nhận như Thunderbolt 4, vì vậy chất lượng có thể thay đổi tùy thuộc vào thương hiệu.
Cho đến khi Thunderbolt 5 ra mắt vào năm sau, Thunderbolt 4 là giao thức mới nhất hiện nay. Nó có tốc độ truyền tương tự với USB 4 là 40 Gbps. Nhưng chuẩn kết nối này tỏ ra vượt trội hơn USB ở một số khía cạnh khác.
Cáp kết nối Thunderbolt với đầu nối USB-C.
Theo đó, Thunderbolt 4 có thể hỗ trợ hai màn hình 4K và bộ chia Alternate Mode USB. Nó cũng có khả năng bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công DMA. Thunderbolt 4 có thể truyền dữ liệu trong phạm vi 2 mét mà không bị giảm tốc độ, trong khi USB 4 sẽ bị suy hao một nửa tốc độ truyền tải ở khoảng cách 2 mét.
Một trong những nhược điểm của Thunderbolt 4 là giá cả đắt hơn USB. Nó cũng yêu cầu thiết bị hỗ trợ Thunderbolt để tận dụng đầy đủ chức năng của cáp. Vì vậy, mặc dù về mặt kỹ thuật chuẩn kết nối này tốt hơn chuẩn USB 4, nhưng lại tỏ ra thua thiệt về độ phổ biến và không phải là sản phẩm dành cho tất cả mọi người.
Nhìn chung, mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy vào nhu cầu của bản thân mà người dùng sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn nhất.